Năng lực nhà thầu

18/11/2015 08:43

Đấu thầu là quá trình lựa chọn nhà thầu đáp ứng các yêu cầu của bên mời thầu để thực hiện các gói thầu trên cơ sở đảm bảo cạnh tranh, công bằng, minh bạch và hiệu quả kinh tế. Để được lựa chọn trúng thầu, nhà thầu cần chứng minh là mình đáp ứng các yêu cầu của bên mời thầu, trong đó có yêu cầu về kinh nghiệm và năng lực liên quan đến nội dung công việc của gói thầu được nêu trong hồ sơ mời thầu (HSMT). 

Kinh nghiệm và năng lực của nhà thầu được thể hiện ở các nội dung như kinh nghiệm sản xuất, kinh doanh, xây dựng; kinh nghiệm thực hiện hợp đồng tương tự; năng lực kỹ thuật; năng lực tài chính… Tuy nhiên, kê khai kinh nghiệm và năng lực thế nào để vừa đúng, vừa đảm bảo yêu cầu của HSMT, từ đó, chứng minh được khả năng thực sự của mình thì không phải là nhà thầu nào cũng biết hoặc biết mà vẫn “cố tình làm sai”. Điều này đã khiến không ít chủ đầu tư, bên mời thầu phải "đau đầu" trong quá trình đánh giá hồ sơ dự thầu (HSDT).

 

Trong nội dung bài viết này, người viết xin đề cập đến các quy định pháp luật đối với việc kê khai và đánh giá kinh nghiệm, năng lực của nhà thầu, thực tiễn thực hiện; đồng thời đề xuất một vài giải pháp nhằm “hỗ trợ” các nhà thầu và chủ đầu tư, bên mời thầu trong quá trình chuẩn bị HSDT cũng như đánh giá HSDT.

 

Quy định về kê khai và đánh giá kinh nghiệm, năng lực của nhà thầu

 

Về kê khai kinh nghiệm và năng lực của nhà thầu: HSMT là toàn bộ tài liệu sử dụng cho đấu thầu rộng rãi hoặc đấu thầu hạn chế, bao gồm các yêu cầu cho một gói thầu làm căn cứ pháp lý để nhà thầu chuẩn bị HSDT và để bên mời thầu đánh giá HSDT nhằm lựa chọn nhà thầu trúng thầu; là căn cứ cho việc thương thảo, hoàn thiện và ký kết hợp đồng. Vì vậy, lẽ dĩ nhiên trong HSMT (đối với gói thầu không thực hiện sơ tuyển) chắc chắn phải đưa ra các yêu cầu về kinh nghiệm và năng lực của nhà thầu. HSDT là toàn bộ tài liệu do nhà thầu lập theo yêu cầu của HSMT và được nộp cho bên mời thầu theo quy định nêu trong HSMT. Do đó, để đáp ứng yêu cầu của HSMT, HSDT đương nhiên cũng phải kê khai kinh nghiệm và năng lực của nhà thầu tham dự thầu. 

 

Trước hết, phải khẳng định rằng, việc kê khai kinh nghiệm và năng lực của nhà thầu là nhằm chứng minh khả năng thật sự của nhà thầu hay nói cách khác là thực lực mà nhà thầu có thể huy động để thực hiện gói thầu. Nhà thầu là tổ chức thì khi kê khai kinh nghiệm và năng lực trong HSDT cần tuân thủ một số quy định như sau:

 

Thứ nhất, nhà thầu phải kê khai trung thực các thông tin liên quan đến kinh nghiệm và năng lực của mình theo đúng yêu cầu của HSMT.

 

Thứ hai, nhà thầu chỉ được sử dụng năng lực, kinh nghiệm của chính mình (tức là thực lực sẵn có của chính mình) để kê khai trong HSDT (bao gồm cả thực lực của các đơn vị thành viên, nếu được huy động) để đảm bảo rằng nếu trúng thầu sẽ huy động được để thực hiện các nội dung công việc của gói thầu.

Thong ke